1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN:
Thị trấn Bình Phú là trung tâm hành chính chính của huyện Cai Lậy có quốc lộ 1A đi ngang qua chia cắt thị trấn Bình Phú thành 2 khu vực Nam lộ và Bắc lộ có trục giao thông chính là đường tỉnh 875B nối liền các xã Cẩm Sơn và Hiệp Đức, huyện lộ 65 nối liền xã Phú Nhuận và huyện lộ 63 nối liền với xã Phú An.
1.1. Diện tích:
Thị trấn Bình Phú có diện tích đất tự nhiên là 1.906,94 ha, bình quân 1.100 m2/người.
1.2. Vị trí địa lý:
Thị trấn Bình Phú là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội của huyện Cai Lậy, với đặc trưng có tuyến quốc lộ 1 đi ngang qua chia cắt thị trấn Bình Phú thành 2 khu vực Nam lộ và Bắc lộ có trục giao thông chính là đường tỉnh 875B nối liền với các xã Cẩm Sơn và xã Hiệp Đức, huyện lộ 65 nối liền với Phú Nhuận và huyện lộ 63 với xã Phú An.
* Về ranh giới hành chính:
+ Phía Đông: giáp phường 2, xã Thanh Hòa và xã Tân Bình thị xã Cai Lậy.
+ Phía Tây: giáp xã Phú Nhuận và xã Phú An.
+ Phía Nam: giáp Cẩm Sơn, xã Phú An.
+ Phía Bắc: giáp xã Phú Nhuận.
1.3. Đặc điểm địa hình, khí hậu:
1.3.1. Địa hình:
Toàn thị trấn có địa hình tương đối bằng phẳng và hơi cao, có chiều thấp dần theo hướng Bắc - Nam, được hình thành chủ yếu qua quá trình bồi lắng trầm tích biển và phù sa của sông Cửu Long. Hàng năm chịu ảnh hưởng của triều cường, nhưng nhờ có hệ thống đê bao khép kín, nên ảnh hưởng không nhiều đến sản xuất.
1.3.2. Khí hậu:
Khu vực thị trấn Bình Phú mang những nét đặc trưng của khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, địa bàn chịu ảnh hưởng nhiệt đới gió mùa, khí hậu phân hóa thành hai mùa tương phản rõ rệt trong năm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau; lượng mưa trung bình 1.949 mm/năm; Nhiệt độ trung bình từ 24 đến 300C, cũng có lúc nóng lên đến 330C.
1.3.3. Sông ngòi:
Thị trấn có rạch Thông Lưu, con rạch này bắt nguồn từ vùng ven Đồng Tháp Mười phía Bắc của thị trấn chạy xuyên qua giữa xã Bình Phú dài 7km và ngang qua xã Phú An đổ ra sông Cái Bè tại vàm sông Cái bè. Dọc hai bên con rạch này có các kênh rạch nhỏ khác như: rạch Tràm, rạch Ban Dầy, rạch Ông Cha, kênh Giồng Tre, kênh Mới,… đi thông sang các xã lân cận. Các kênh rạch trong thị trấn nước lên xuống theo triều, đảm bảo yêu cầu tưới tiêu, thoát nước trong mùa mưa, lũ, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh.
1.4 Tài nguyên:
1.4.1. Tài nguyên đất:
Là đất phù sa được hình thành từ các trầm tích trẻ, có nguồn gốc sông - đầm lầy không chứa vật liệu sinh phèn. Khu vực ven sông, rạch nhờ phù sa bồi đắp quanh năm nên phì nhiêu, phù hợp cho trồng trọt và chăn nuôi.
1.4.2. Tài nguyên nước:
Nguồn nước chủ yếu lấy từ hệ thống sông Tiền thông qua các trục sông rạch chính như rạch Ban Dầy, rạch Tràm….các trục rạch này giữ vai trò cung cấp nước ngọt cho việc sản xuất và dân sinh trên toàn bộ diện tích xã, đồng thời đây cũng là trục tiêu thoát nước nội đồng, kể cả thoát lũ cho vùng Bắc quốc lộ 1A đổ ra sông Tiền.
2. ĐẶC ĐIỂM XÃ HỘI, KINH TẾ:
2.1. Lịch sử hình thành:
Theo một số sách đã ghi và được ông bà truyền lại thì vùng đất Nam bộ mới được khai hoang từ thế kỷ 18. Thời chúa Nguyễn Phúc Tần, năm 1679 Dương Ngạn Địch (người Trung Hoa) bất mãn nhà Mãn Thanh, dẫn một số quân chạy sang Việt Nam,được chúa Nguyễn cho vào ở vùng Mỹ Tho. Trước đó đã có một số cư dân từ miền Trung đi theo quan quân của chúa Nguyễn vào Nam (Đàng Trong) khai hoang lập nghiệp. Những người này phần nhiều đi vào Nam bằng đường biển, đến cửa Đại, cửa Tiểu họ vào sông Tiền rồi đến nơi nào thấy có địa hình thuận lợi thì dừng lại để ở khai hoang sinh sống. Thời đó số người biết chữ đều là chữ Hán (hoặc chữ Nho), nên khi chọn nơi định cư xong thì họ chọn chữ để đặt tên làng, tên thôn (tương đương xã, ấp ngày nay). Họ thường chọn những từ tốt đẹp để đặt cho địa phương mình, với những điều mong ước: Hoà, Thuận, Bình, Yên, Phú, Quí, Hưng, Thạnh,…Hai chữ “Bình Phú” có ý nghĩa: Bình là bình yên, Phú là giàu sang sung túc. Từ đó những bậc túc nho lấy chữ Bình làm chữ đầu gắn với chữ thứ hai để đặt tên cho 11 ấp (nay là khu phố) như: Tịnh, Đức, Trị, Thới, Sơn, Ninh, Phong, Long, Quới, Hưng, Thạnh.
Sau năm 1975, Bình Phú là một xã thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đến năm 2014, sau khi thành lập thị xã Cai Lậy trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của huyện Cai Lậy, huyện lỵ huyện Cai Lậy được dời về xã Bình Phú.
Ngày 25 tháng 10 năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 3100/QĐ-UBND công nhận xã Bình Phú đạt tiêu chí đô thị loại V. Ngày 10 tháng 12 năm 2018, trung tâm hành chính mới của huyện Cai Lậy tại ấp Bình Quới được đưa vào hoạt động.
Ngày 11 tháng 8 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 569/NQ-UBTVQH15 (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2022) về việc thành lập thị trấn Bình Phú trên cơ sở toàn bộ 19,07 km² diện tích tự nhiên và người của xã Bình Phú.
2.2 Dân số và cơ cấu:
Toàn thị trấn có 4.741 hộ, với 16.679 nhân khẩu.. Dân cư trong thị trấn chủ yếu là người dân tộc Kinh chiếm 100%.
Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt tỷ lệ 85,89%.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 61.325.000 đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn hiện nay là 1,11% (53 hộ).
Thị trấn Bình Phú chia thành 3 khu vực: phía bắc là vùng lúa có năng suất chất lượng cao, phía nam là vùng cây ăn trái và trung tâm thị trấn là khu phố chợ, tập trung các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
2.3. Thành phần dân tộc, tôn giáo:
Tôn giáo: Toàn thị trấn có 01 Đình thần, 01 Thánh thất, 07 Chùa. Dân cư trên địa bàn thị trấn chủ yếu là dân tộc Kinh.
2.4. Những nét văn hóa đặc trưng:
Từ xưa, khi lập làng thì nhân dân cũng đã tiến hành lập chợ, cất đình, chùa, miếu theo nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân trong làng để thờ cúng những bậc “Tiền hiền khai khẩn”. Năm 1939, hình thành chợ Bình Phú ở phía Đông cầu Bình Phú. Làng (nhay là thị trấn) Bình Phú đến năm 1951 đã có 01 Đình thần thờ các vị vua, các vị quan và các vị thần; 05 chùa thờ Phật, miếu ở các ấp (nay là khu phố) thờ Quan Công, bà Chúa Xứ và 01 thánh thất Cao Đài.
Về tín ngưỡng, cộng đồng dân cư làng Bình Phú (nay là thị trấn) tuy đa dạng về thành phần tôn giáo (Phật giáo, Cao đài, Hoà hảo,…) nhưng không có sự khác biệt lớn về phong tục tập quán sinh hoạt cũng như trong sản xuất, kinh doanh.
2.4.1 Di sản văn hóa vật thể:
Đình Thần Bình Phú là di sản văn hoá vật thể tồn tại hơn 200 năm, được khai sơn kiến tạo do nhân dân lập nên trước năm 1805 để tôn thờ Thành Hoàng Nguyễn Phục, toạ lạc trên diện tích 2.500m2, tại Làng Bình Phú (nay thuộc khu phố Bình Tịnh, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Nơi đây còn lưu giữ nhiều tập tục sinh hoạt tính ngưỡng độc đáo thờ các vị đế vương triều Lê, triều Nguyễn và nhiều di vật có giá trị như: đôi long trụ, hoành phi, câu đối được chạm trổ công phu và 06 sắc phong của vua Thiệu Trị và vua Tự Đức phong cho làng Bình Phú có niên đại vào thế kỷ XIX. Năm 2016, Đình thần Bình Phú được Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.
2.4.2 Di sản văn hoá phi vật thể:
- Nghệ thuật: chủ yếu là đờn ca tài tử, cải lương, ca nhạc...
- Lễ hội: thị trấn hàng năm tổ chức các lễ hội cách mạng theo các mốc thời gian lễ, tết trong năm, lễ hội ở chùa, đình…
- Phong tục tập quán: do là vùng kinh tế mới nên đa số người dân từ các nơi khác đến lập nghiệp và sinh sống. Vì vậy, cộng đồng dân cư làng Bình Phú (nay là thị trấn) tuy đa dạng về thành phần tôn giáo (Phật giáo, Cao đài, Hòa hảo,...) nhưng không có sự khác biệt lớn về phong tục tập quán trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất.
2.5. Đặc điểm, cơ cấu, thành phần kinh tế:
Quốc lộ 1 chạy theo hướng tây đông đi ngang qua cắt đôi thị trấn làm hai phần.
Phần phía bắc của địa bàn thị trấn dân cư sống tập trung thành cụm đối diện chợ Bình Phú và tập trung dọc theo kênh Ban Dầy, chạy dần về cực bắc thị trấn là chợ Bình Thạnh. Đất canh tác chủ yếu là trồng lúa, chăn nuôi vịt, nuôi cá. Các đường giao thông quan trọng gồm đường Nam Cả Chuối chạy chủ yếu hướng Tây - Đông, nằm ở bờ nam kênh Cả Chuối, con kênh là ranh giới với xã Phú Nhuận, đây là đường trải nhựa mới. Trục đường quan trọng thứ hai là đường huyện 65, chạy theo hướng bắc - nam, là đường trải nhựa. Ở mạn phía nam là đường huyện 57B cũng là đường trải nhựa chạy theo hướng chủ yếu Tây - Đông một vòng cung.
Phần phía nam địa bàn thị trấn Bình Phú có trung tâm hành chính huyện Cai Lậy, từ ngay Quốc lộ 1 rẽ vào tỉnh lộ 875B khoảng 200m. Quảng trường trung tâm huyện Cai Lậy rộng 13.000 m² gồm sân lễ, khu công viên, vườn hoa, tháp đèn chiếu sáng, đài phun nước nghệ thuật và một số công trình phụ, nằm cạnh Trung tâm Hành chính huyện Cai Lậy. Đường tỉnh lộ 875B tiếp tục chạy về hướng nam, chệch hướng tây nam. Phần nam của thị trấn có tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy và huyện lộ 23A chạy ngang qua, cắt tỉnh lộ 875B. Phần nam thị trấn đất canh tác chủ yếu là trồng cây ăn trái. Trung tâm mua bán là chợ Bình Phú nằm trên bờ nam Quốc lộ 1.
Với vị trí thuận lợi có Quốc lộ 1 đi qua, thị trấn Bình Phú thực hiện các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ.